Băm nát đất rừng Sóc Sơn xây biệt phủ
Cho tới nay, việc xử lý các vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng, nhất là tại các khu vực đất rừng phòng hộ ở Sóc Sơn vẫn “giậm chân tại chỗ”, thậm chí còn nghiêm trọng và phức tạp hơn.
Hơn 10 năm qua, Thanh tra Chính phủ và cơ quan chức năng của Hà Nội đã làm rõ nhiều sai phạm về quản lý đất đai, trật tự xây dựng tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội và yêu cầu xử lý những vi phạm.
Thế nhưng, cho tới nay, việc xử lý các vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng, nhất là tại các khu vực đất rừng phòng hộ ở Sóc Sơn vẫn “giậm chân tại chỗ”, thậm chí còn nghiêm trọng và phức tạp hơn.
Nhiều khu vực đất rừng ở xã Minh Trí, Sóc Sơn đang bị xẻ thịt, lấn chiếm không thương tiếc
Đua nhau phá rừng, lấp hồ để xây biệt phủ
Mặc dù UBND TP Hà Nội đã có công văn yêu cầu thanh tra thành phố và các sở ngành liên quan thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất rừng và trật tự xây dựng tại xã Minh Phú và xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn nhưng thực tế tại nhiều xã của huyện Sóc Sơn, tình trạng lấn chiếm đất rừng và xây dựng trái phép vẫn đang diễn ra phức tạp.
Thậm chí, trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi còn được một số “cò đất” mời chào nhiều mảnh đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp rộng từ 300m² tới 700 - 800m² ở các xã như Minh Phú, Minh Trí, Tiên Dược, Kim Lũ... với giá 2-3 triệu đồng/m², tùy vị trí.
Một số người dân ở xã Minh Phú cho biết, so với vài năm trước, hiện nay giá đất ở đây tăng gấp 4-5 lần. Những mảnh đất rộng một vài hécta không còn nữa mà chỉ còn những mảnh nhỏ cỡ vài trăm mét vuông và được giao dịch khá nhiều.
Phần lớn người ở nội thành Hà Nội lên mua. Hầu hết các mảnh đất đều có nguồn gốc là đất rừng phòng hộ và không có giấy tờ pháp lý.
Ghi nhận tại khu vực hồ Đồng Đò (thôn Minh Tân, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn), tình trạng mua bán, chuyển nhượng đất đai vẫn diễn ra phức tạp mặc dù khu vực này nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ.
Tại đây, các công trình lớn, nhỏ, biệt thự, villa, biệt phủ hoành tráng đang được nhiều cá nhân, tổ chức gấp rút xây dựng và hoàn thiện, bất kể đây là đất rừng phòng hộ. Xe tải chở vật liệu xây dựng, đất đá vẫn hoạt động rầm rộ cả ngày lẫn đêm để bảo đảm tiến độ, như một đại công trường.
Trong số những công trình hoành tráng đang trong quá trình hoàn thiện ở khu vực hồ Đồng Đò phải kể tới tổ hợp công trình gồm những tòa biệt thự như lâu đài nguy nga, tráng lệ mang tên Hoàng Lê Gia Garden được xây dựng trên khu đất rộng tới vài hécta ngay cạnh hồ.
Ông Nguyễn Đức Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Trí, cho biết: “Hiện nay, UBND TP Hà Nội đã giao Thanh tra Thành phố thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất rừng tại xã Minh Trí. Chúng tôi đang chờ chỉ đạo của huyện, lúc đó sẽ kiểm tra cụ thể hồ sơ từng trường hợp. Trước mắt chính quyền xã yêu cầu các công trình có vi phạm phải dừng toàn bộ hoạt động xây dựng...”. |
Tại thôn Lâm Trường, xã Minh Phú, xen giữa những ngôi nhà cấp 4 của dân địa phương là những tòa biệt thự hoành tráng, các khu nghỉ dưỡng được xây dựng kiên cố trên sườn đồi hoặc bên hồ như: Thiên Phú Lâm, The Choai Villa, U-LESA...
Hầu hết các khu nghỉ dưỡng, biệt thự này đều đã có người ở, hoặc đang kinh doanh với lượng khách khá đông. Trong đó nằm ngay gần với Thiên Phú Lâm là khu nhà vườn biệt thự nổi tiếng của vợ chồng ca sĩ Mỹ Linh đã được cơ quan chức năng xác định có những vi phạm về đất đai.
Theo đại diện lãnh đạo UBND xã Minh Phú, chính quyền địa phương đang củng cố hồ sơ để từ nay đến cuối năm 2018 sẽ xử lý 18 công trình vi phạm đất rừng tại xã. Đối với những trường hợp đang xây dựng mới thì yêu cầu dừng xây dựng.
Nhiều công trình kiên cố, hoành tráng được xây dựng trên đất rừng phòng hộ ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội
Sai phạm tràn lan
Ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, thừa nhận, những năm qua, trên địa bàn huyện Sóc Sơn đã xảy ra nhiều trường hợp vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng. Ngoài 27 trường hợp công trình xây dựng đất đai nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ thuộc xã Minh Trí, còn 18 trường hợp tại xã Minh Phú.
Trước thực trạng này, UBND huyện Sóc Sơn đã lập hồ sơ vi phạm, yêu cầu UBND các xã đình chỉ thi công các công trình vi phạm. Ông Tuấn cũng cho rằng, các cấp ủy đảng, chính quyền một số xã còn thiếu trách nhiệm, chưa quyết liệt trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, tiến độ xử lý vi phạm trật tự xây dựng còn rất chậm.
Đại diện UBND huyện Sóc Sơn cũng cho biết, cùng với việc xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu các xã để xảy ra vi phạm về đất đai, các công trình vi phạm đất đai, trật tự xây dựng, lấn chiếm đất rừng phòng hộ trên địa bàn sẽ bị cưỡng chế.
Trước đó, vào tháng 4-2006, Thanh tra Chính phủ sau khi kiểm tra về đất đai và trật tự xây dựng ở huyện Sóc Sơn đã kết luận chỉ rõ có hơn 400ha đất rừng ở đây bị chuyển nhượng, sử dụng trái phép với tổng số hơn 540 hộ nhận chuyển nhượng, trong đó có hàng trăm hộ dân xây dựng công trình trên đất lâm nghiệp với diện tích hơn 11ha.
Tuy nhiên, sau đó tình trạng vi phạm đất đai, mua bán, lấn chiếm đất lâm nghiệp, đất rừng phòng hộ ở Sóc Sơn tiếp tục diễn ra phức tạp mà hầu như không hề bị xử lý, cho dù các cơ quan chức năng của TP Hà Nội đã phát hiện, trong đó nổi cộm là hàng chục công trình ở 2 xã Minh Phú và Minh Trí.
Minh Khang (SGGP)
Theo cafeland.vn