Khoảng 10 ngày trở lại đây, tại các khu rừng thuộc xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa), đặc biệt là trên các đảo nhỏ như Hòn Trì, Hòn Ngang, Hòn Đỏ… nơi dự kiến hình thành đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong nhiều người kéo đến chặt hạ, đốt phá tan hoang, sau đó bán lại cho người khác. Những mảnh đất đồi hoang hóa lâu nay bỗng dưng được hét giá hàng tỷ đồng/ha.
Rừng bị chặt phá ở Hòn Trì
Chiếm đất, phân lô bán sang tay
Ngày 11/4, tổ công tác liên ngành quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Vạn Ninh đã phát hiện và lập biên bản xử lý hàng lọat đối tượng có hành vi lấn chiếm đất công, phá rừng trái phép.
Theo đó, tại vị trí Trảng Ông (thôn Đầm Môn, xã Vạn Thạnh), tổ công tác tháo dỡ hàng rào do ông Phạm Văn Hận (ngụ thôn Đầm Môn) đang dùng trụ ống nhựa tròn bên trong đổ xi măng có lõi sắt và dây thép gai bao chiếm khoảng 1ha. Tổ công tác đã lập biên bản xử lý đối với ông Hận và tạm giữ một số trụ và dây thép gai.
Tại khu vực Khe Nước (thôn Đầm Môn), tổ công tác phát hiện và phá bỏ 3 lều trại tạm của ông Huỳnh Ân (ngụ xã Vạn Lương) dựng trái phép. Tại gần khu dân cư thôn Đầm Môn, tổ công tác lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi chiếm đất để xây dựng công trình trái phép của ông Nguyễn Văn Sanh (ngụ thôn Đầm Môn).
Khu vực xã Vạn Long, cơ quan chức năng đã phát hiện 3 đối tượng đang chặt phá cây rừng. Một đối tượng bỏ chạy, 2 đối tượng còn lại trình bày được thuê để chặt cây còn người thuê thì không biết tên.
Những đối tượng bị bắt quả tang phá rừng, bao chiếm đất trên đây là số ít được lực lượng chức năng phát hiện trong thời gian gần đây.
Theo tìm hiểu, khoảng 10 ngày trở lại đây, gần như ngày nào cũng có người đi thuyền ra các đảo thuộc vịnh Vân Phong lén lút phá rừng lấy đất khi có thông tin về việc hình thành đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong.
Ngay sau đó, huyện Vạn Ninh đã thành lập một tổ liên ngành gồm công an, kiểm lâm, bộ đội biên phòng tổ chức tuần tra trên vịnh Vân Phong. Khi thấy bóng dáng lực lượng này, những người phá rừng lại lẩn vào rừng. Một số người bị bắt giữ thì cam kết không chặt, phá rừng, lực lượng chức năng đã tiến hành xử phạt hành chính và yêu cầu rời khỏi địa phương.
Theo người dân địa phương, tình trạng chặt phá cây cối ở các khu vực Hòn Trì, Hòn Ngang, Hòn Mới, Hòn Đỏ, Hòn Nhọn… (thuộc vịnh Vân Phong) là rất đáng quan ngại.
“Thay vì chặt phá vào ban ngày, nay họ còn lén lút phát dọn vào ban đêm. Riêng tại Hòn Đỏ, khu vực có nhiều cây cối lớn nhưng nay trụi lủi, gần như chỉ còn cái chóp ”, ông Th. (ngụ thôn Đầm Môn) cho biết.
Theo quan sát của chúng tôi, tại khu vực Hòn Trì, những gốc cây bị đốt trơ trụi, chỉ còn một màu đen của than. Nhiều diện tích đất đồi bị chặt hết cây cối, có chỗ người dân thuê cả máy múc, máy ủi san đất thành những mặt bằng phẳng để bán cho có giá.
Một người một người tên V. nuôi ốc hương ở khu vực Hòn Trì cho biết, thời gian gần đây có một người tên Tân tại thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh) nói rằng gần hết Hòn Trì là đất của ông ta. Vậy nên ông này thuê khoảng chục người đồng bào dân tộc thiểu số đến đây ăn ở phát cây, thậm chí họ còn dùng nhiều máy cưa bất kể ngày đêm phát rẫy. Chỉ trong một thời gian, nhiều ha rừng xanh ngắt đã trơ trụi.
Cũng theo người đàn ông này, đất ở Hòn Trì đều đã có chủ, ngoài ông Tân, có mấy người dân trong làng xí phần thuê nhân công tới phát, đốt. “Rừng bị chặt xong thì có người đến phân lô. Sau khi phân thành lô, người ta thông qua cò đất để rao bán sang tay”, ông V. cho biết.
Đất đồi hét giá hàng tỷ đồng/ha
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước thông tin về việc sắp hình thành đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong đất ở tại huyện Vạn Ninh đang tăng chóng mặt. Đặc biệt, cơn sốt giá đất ở Vạn Thạnh đã hầm hập lan sang đất trống đồi núi trọc. Những mảnh đất đồi hoang hóa lâu nay bỗng dưng được hét giá hàng tỷ đồng/ha.
Người dân cho biết, tại thôn Vĩnh Yên, ngày nào cũng có hàng chục ô tô mang biển số Khánh Hòa, Hà Nội, TP.HCM đến đây lượn lờ hỏi mua đất. Những lô đất tái định cư chưa kịp xây nhà, bỏ hoang bỗng dưng thành đất kim cương, nhất là hướng về phía vịnh biển.
Ông Hồ Văn Hòa (ngụ thôn Vĩnh Yên, xã Vĩnh Thạnh), cho biết: “Đất đồi ở những vị trí đẹp giáp biển, giáp đường lớn đã có người mua hết. Vừa qua, một người trong thôn đã bán gần 3ha với giá 8,5 tỷ đồng. Với đất không có sổ, giá có phần mềm hơn nhưng vẫn ở mức cao ngất ngưởng, dao động từ 1,5 đến 2 tỷ đồng/ha”.
Tổ công tác liên ngành quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Vạn Ninh phát hiện rừng bị phá trái phép ở Hòn Nhọn (ảnh ngành chức năng cung cấp)
Bà Nguyễn Thị Ng. (ngụ thôn Vĩnh Yên) cho biết, đã có người trả 20.000m2 của bà với giá 10 tỷ đồng, nhưng bà chưa bán. Bà đang chờ giá lên cao thêm tí nữa rồi sẽ bán vì một ngày có rất nhiều người đến đây hỏi mua đất.
Theo quan sát của chúng tôi, dọc tuyến đường qua xã Vạn Thọ cũng xuất hiện nhiều điểm mua bán đất đai. Thậm chí, quán cà phê cũng thành điểm ký gửi đất, bán lại kiếm hoa hồng.
Còn tại thị trấn Vạn Giã, từ đầu tháng 4 đến nay, ở khu vực đường biển chạy qua thị trấn này đã có thông tin lên tới 100 triệu đồng/m2. Trong khi đó, đất ở trong khu dân cư tùy vị trí có giá 20 - 30 triệu đồng/m2. Hiện tại, trên địa bàn thị trấn Vạn Giã đã có hơn 15 văn phòng giao dịch bất động sản được thành lập, hoạt động.
Sẽ xử lý nghiêm những hành vi vi phạm
Ông Trần Kim Bảo - Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh, cho biết: “Việc chặt, phá cây lấn chiếm đất rừng, đất đồi là trái pháp luật, những hành vi bị phát hiện, sẽ bị xử lý nghiêm. Bên cạnh đó, việc mua bán đất đai không có giấy tờ hợp lệ mà chỉ bằng giấy tay không được pháp luật công nhận. Khi có tranh chấp, rủi ro hay thiệt hại, hai bên mua và bán sẽ tự chịu trách nhiệm”.
Ngày 9/4, UBND huyện Vạn Ninh đã thành lập đoàn kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm đối với ông Nguyễn Thanh Nam - Bí thư Đảng ủy Chủ tịch kiêm UBND xã Vạn Thạnh trong buông lỏng quản lý đất đai, quản lý rừng, dẫn đến tình trạng lấn chiếm, chặt phá rừng tràn lan xảy ra trên địa bàn xã. Ngoài xã Vạn Thạnh, sắp tới những xã có điểm nóng như Vạn Thọ, Vạn Hưng cũng sẽ bị thanh tra, kiểm tra.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Xuân Thân - Phó chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa lưu ý cán bộ xã, thôn thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý đất đai; đồng thời đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý ngăn chặn tình trạng sang nhượng đất đai trái phép.
“Chúng ta đang thực hiện quy hoạch đất của đặc khu. Bây giờ có chỉ thị để chỉ đạo ổn định trật tự và hạn chế sang nhượng vì nằm trong vùng quy hoạch. Hiện nay mua bán diễn ra, chính quyền xã, thôn cũng ký, chuyển nhượng, đẩy giá lên cao. Đó cũng là một cảnh báo cho những người mua đất”, ông Thân cho biết.
Trước đó UBND tỉnh Khánh Hòa đã ra Chỉ thị 01 về việc tăng cường quản lý đất đai trên địa bàn huyện Vạn Ninh khi huyện này có chủ trương hình thành đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong. Theo đó, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu huyện Vạn Ninh tăng cường phổ biến pháp luật về đất đai nhằm nâng cao ý thức cho người dân; chỉ đạo các xã áp dụng các biện pháp nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai. Ngoài ra, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng yêu cầu Ban Quản lý khu kinh tế Vân Phong, sở, ngành liên quan chỉ đạo và thống nhất các loại quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đồng bộ với quy hoạch để tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư nhưng đồng thời xử lý nghiêm hoặc đề nghị cấp thẩm quyền xử lý các chủ đầu tư nếu để lãng phí đất đai, sử dụng sai mục đích. |
Thắng Mỹ (Pháp luật VN)
Theo cafeland.vn