Bà chủ Quốc Cường Gia Lai: Đã có lúc, tôi nghĩ đến chuyện tự tử
– Bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc Công ty Quốc Cường Gia Lai, cho biết doanh nghiệp đã gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian qua, thậm chí có lúc bà nghĩ đến chuyện tự tử.
Bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc Công ty Quốc Cường Gia Lai (đang đứng)
Sáng 10/4, UBND TP.HCM đã tổ chức hội nghị gặp gỡ với 100 doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn dưới sự chủ trì của Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân, cùng nhiều sở ngành liên quan.
Tại buổi gặp mặt, nhiều doanh nghiệp đã nêu lên nhiều băn khoăn, trăn trở về thủ tục chồng chéo, vướng mắc giữa các luật, đặc biệt là thủ tục hành chính đang gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Bà Loan cho biết, doanh nghiệp của bà đang có 12 dự án đang bị ách tắc trên địa bàn với tổng quỹ đất 150 ha. Những diện tích này chủ yếu là đất nông nghiệp mà Quốc Cường Gia Lai tự đền bù giải phóng mặt bằng cho người dân, không phải có nguồn gốc đất công.
Trong 150 ha đất này, bà Loan đặc biệt bức xúc về một dự án có 3.000m2 đất ở. Nếu thực hiện dự án này có thể giúp doanh nghiệp kiếm thêm vài trăm tỉ đồng, từ đó có thể trang trải được chi phí, tiền lương cho nhân viên khoảng 1-2 năm. Từ đó giúp doanh nghiệp có nguồn vốn để chờ đợi, khi thành phố rà soát xong có thể tiếp tục các dự án khác.
Tuy nhiên, dù đã được chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 10/2017, Quốc Cường Gia Lai đã hoàn thành đầy đủ hồ sơ thủ tục, đã được phê duyệt quy hoạch 1/500, nhưng đến khi trình UBND thành phố để chấp thuận đầu tư đã bị trả lại vì văn bản Sở xây dựng ghi “cơ bản hoàn thành” mà không khẳng định “hoàn thành”.
Bà Loan cho biết, từ thời điểm tháng 10/2017 tất cả đều ách tắc, “đến nay phải bắt lại từ đầu, bắt doanh nghiệp phải duyệt lại 1/2000 bổ sung trong khi chúng tôi đã có quy hoạch 1/500, sau đó trình lại chấp thuận chủ trương, nghĩa là quay lại từ đầu 100%”.
Sau đó, UBND TP.HCM đã tổ chức họp vào tháng 10/2018, đề nghị Sở Quy hoạch và Kiến trúc phối hợp với UBND quận 7 điều chỉnh quy hoạch 1/2000, cập nhật bổ sung và phê duyệt quy hoạch cho doanh nghiệp.
Từ tháng 12/2018 đến nay, Sở Quy hoạch và Kiến trúc vẫn chưa giải quyết được thủ tục, chưa trình UBND TPHCM cho doanh nghiệp với lý do sở còn thắc mắc liệu đất giao cho doanh nghiệp vào năm 2005 có vướng vào đất công hay không.
Doanh nghiệp phải qua Sở Tài chính hỏi dự án có vướng đất công hay không. Sở Tài chính trả lời là quá nhiều hồ sơ sau 14 năm, trải qua ba đời giám đốc nên không thể tìm hiểu ngay được. Cơ quan này đề nghị muốn nhanh thì doanh nghiệp phải tự tìm ra hồ sơ.
Doanh nghiệp chấp nhận tìm cho ra hồ sơ và thấy rằng dự án không vướng vào đất công. Tuy nhiên, Sở Quy hoạch và Kiến trúc vẫn yêu cầu phải có văn bản chính thức từ Sở Tài chính thì mới chấp thuận.
“Đó là thực tiễn rất là đau lòng, khổ tâm. Nếu như hiện nay không phải vì 3.000 cổ đông, không vì nợ ngân hàng, không vì trách nhiệm với 3.000 nhân viên của tôi thì tôi đã tự tử”, bà Loan phát biểu, đồng thời đề nghị Bí thư Thành ủy lắng nghe doanh nghiệp và hỗ trợ giải quyết những khó khăn hiện nay.
Bà Loan cũng nói thêm, nhiều sở, ngành thường cử các nhân viên kém chuyên môn đến họp nên không giải quyết được vấn đề tận gốc cho doanh nghiệp. Ngoài ra, việc tổ chức quá nhiều cuộc họp khiến doanh nghiệp tốn kém về thời gian, chi phí và cơ hội.
Thanh Thịnh
Theo cafeland.vn