98,3% đất đô thị đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
- Báo cáo kết quả công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018 của Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) mới đây cho biết, tính đến nay, tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) lần đầu trên cả nước đã đạt trên 96,9% tổng diện tích các loại đất cần cấp.
Trong đó, đất sản xuất nông nghiệp đạt 92,9%; đất lâm nghiệp đạt 98,2%, đất nuôi trồng thủy sản đạt 86,1%; đất ở nông thôn đạt 96,1%; đất ở đô thị đạt 98,3%; đất chuyên dùng đạt 86,9%; cơ sở tôn giáo đạt 83,6%.
Đối với các trường hợp còn tồn đọng chưa được cấp giấy chứng nhận lần đầu, Tổng cục Quản lý đất đai cũng đã tổng hợp và phân tích nguyên nhân vướng mắc để đề xuất giải pháp thực hiện, hoàn thành cấp giấy chứng nhận trên phạm vi cả nước.
Theo đó, việc tồn đọng chưa được cấp giấy chứng nhận lần đầu, chủ yếu là do người dân chưa kê khai đăng ký (chiếm 34,1%); nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho từ ngày 1-1-2008 trở về sau, đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất (chiếm 10,7%); phải thực hiện nghĩa vụ tài chính nhưng không nộp và không có nhu cầu ghi nợ (chiếm 5,4%); hồ sơ chưa hoàn thành thủ tục chia thừa kế (chiếm 5,2%)...
Về giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất, Tổng cục quản lý đất đai đã chỉ đạo, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương để thực hiện các công trình, dự án theo quy định của Luật đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành.
98,3% đất đô thị đã được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, Tổng cục đã tiếp nhận 25 văn bản của 24 tỉnh, thành phố đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang đất phi nông nghiệp, trong đó đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ 7 văn bản chấp thuận cho các tỉnh Long An, Đồng Tháp, Nghệ An, Bình Định, Bắc Giang, Trà Vinh, Hải Phòng được chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để thực hiện các công trình, dự án.
Về đo đạc, cấp giấy chứng nhận đất nông, lâm trường, Tổng cục Quản lý đất đai đã chuẩn bị báo cáo về tình hình quản lý và sử dụng đất có nguồn gốc từ các nông trường, lâm trường tại các tỉnh vùng Tây Nguyên phục vụ Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ.
Kết quả thực hiện tại các địa phương đến nay cho thấy có 34/45 tỉnh, thành phố đã cơ bản hoàn thành công tác rà soát ranh giới, cắm mốc; 38/45 tỉnh, thành phố đã cơ bản hoàn thành đo đạc lập bản đồ địa chính; 11/45 tỉnh đã cơ bản hoàn thành công tác cấp giấy chứng nhận; Các tỉnh còn lại đều đang triển khai thực hiện các hạng mục công việc, dự kiến sẽ cơ bản hoàn thành trong năm 2018.
Về xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, Tổng cục Quản lý đất đai cho biết, tính đến nay, 132/713 đơn vị cấp huyện đã xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu địa chính (chiếm 18,5% trên tổng số huyện). Đây là nền tảng quan trọng để xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai thống nhất, phục vụ đa mục tiêu và vận hành Chính phủ điện tử.
Đối với công tác kiểm tra, giám sát quản lý và sử dụng đất, trong năm 2018 Tổng cục sẽ thực hiện việc kiểm tra thi hành Luật Đất đai tại 7 tỉnh, thành phố (Điện Biên, Ninh Bình, Quảng Bình, Đà Nẵng, Đắk Nông, Tây Ninh, Kiên Giang); kiểm tra việc xử lý các dự án đầu tư chậm đưa đất vào sử dụng tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương; kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường tại 5 tỉnh Tây Nguyên.
Theo đánh giá của Tổng cục quản lý đất đai, trong 6 tháng đầu năm 2018, tiến độ xây dựng dự án Luật đất đai sửa đổi, tiến độ xây dựng một số đề án còn chậm; việc rà soát hồ sơ trình Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất của các tỉnh, thành phố còn chậm; việc khiếu kiện, khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai vẫn còn là vấn đề phức tạp ở nhiều địa phương.
Tâm An
Theo cafeland.vn