9 giải pháp quản lý quy hoạch sử dụng đất đai đô thị
- Tại buổi thảo luận chiều 27/5 Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã thẳng thắn thừa nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác sử dụng đất đai, quản lý phát triển đô thị vẫn còn nhiều hạn chế, cần phải có giải pháp khắc phục.
Xu hướng người dân tập trung về các đô thị lớn để tìm kiếm việc làm, tìm điều kiện cuộc sống tốt hơn đã tạo áp lực lên hệ thống hạ tầng đô thị, ảnh hưởng hiệu quả sử dụng đất đai. Trong khi đó, việc đầu tư hệ thống hạ tầng còn chậm, thiếu đồng bộ nên dẫn đến quá tải về hạ tầng cả về hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế, dịch vụ…
Việc đầu tư phát triển các đô thị vùng, đô thị vệ tinh còn thiếu nguồn lực. Cơ cấu sử dụng đất tại các đô thị chưa phù hợp, cơ cấu nhà ở còn nhiều bất cập, mới chú ý đến phát triển nhà ở thương mại cho người có thu nhập thấp, còn nhà ở xã hội cho công nhân các khu công nghiệp lại rất ít được quan tâm.
Để khắc phục những hạn chế trong việc thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất tại đô thị, Phó Thủ tướng cho biết trong thời gian tới, Chính phủ và các bộ ngành và địa phương phải tập trung vào một số nhiệm vụ.
Một là rà soát, hoàn thiện thể chế liên quan đến quy hoạch sử dụng đất tại đô thị, đầu tư xây dựng tại đô thị.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.
Hai là tập trung vào công tác quy hoạch, chú trọng nâng cao chất lượng quy hoạch; thường xuyên rà soát, cập nhật bổ sung điều chỉnh kịp thời quy hoạch theo đúng quy định pháp luật; công khai các thông tin về quy hoạch để người dân biết và giám sát.
Ba là tăng cường kiểm soát sử dụng đất đai, đầu tư phát triển đô thị theo đúng quy hoạch và phải có kế hoạch. Các bộ, ngành liên quan, các địa phương phải xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển đô thị hàng năm, 5 năm và dài hạn căn cứ vào nhu cầu phát triển và nguồn lực thực hiện nhằm khắc phục tình trạng quy hoạch treo, dự án treo. Phải lựa chọn các dự án để ưu tiên đầu tư xây dựng, khắc phục tình trạng đầu tư tự phát, phong trào thiếu kế hoạch, kiểm soát đảm bảo thị trường bất động sản phát triển lành mạnh.
Bốn là thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đáp ứng yêu cầu chính đáng của người dân.
Năm là kiểm soát chặt chẽ việc lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án phát triển đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời, xây dựng cơ chế kiểm soát việc xác định giá đất, đảm bảo tính công khai, minh bạch, theo cơ chế thị trường, tránh thiết hại cho nhà nước.
Sáu là cần có giải pháp hữu hiệu để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ: đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất; cải tạo chung cư cũ xuống cấp nguy hiểm; chuyển cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư tập trung và thay vào đó là cơ cấu sử dụng đất hợp lý để tăng cường không gian công cộng. Rà soát bảo đảm không gian công cộng cho người dân, khắc phục tình trạng lãng phí đất đai, quy hoạch sử dụng không gian ngầm. Quản lý chặt việc người nước ngoài sở hữu nhà ở, đất đai tại Việt Nam.
Bảy là tăng cường quản lý, kiểm soát, sử dụng đất đai, phát triển đô thị trên toàn quốc. Trong đó, tập trung công tác thanh tra, kiểm tra các dự án đầu tư, xử lý nghiêm các vi phạm.
Tám là tổ chức bộ máy quản lý đất đai, phát triển đô thị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, nâng cao đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Chín là tiếp tục tăng cường sự giám sát của các cơ quan dân cử ở địa phương, đặc biệt là vai trò của Hội đồng nhân dân các cấp, vai trò của Quốc hội.
Tâm An
Theo cafeland.vn