175 hộ dân rạch Ụ Cây, ở sướng, nhưng không kham nổi tiền thuê
Sau bốn năm được bố trí ở thuê tại chung cư (CC) An Sương, Q.12, TP.HCM (nhà sở hữu Nhà nước), 175 hộ dân bị giải tỏa do dự án chỉnh trang đô thị rạch Ụ Cây (Q.8) đang mắc nợ tổng cộng hơn 11 tỷ đồng. Đứng trước nguy cơ bị thu hồi nhà, các hộ dân đã cầu cứu các cơ quan chức năng xin khoanh nợ, giảm giá thuê để tiếp tục có chỗ ở nhưng chưa được chấp thuận.
Ở sướng, nhưng không kham nổi tiền thuê
Không còn sống cảnh ngập nước, chật chội, hôi thối như trước đây là điều người dân rạch Ụ Cây rất ưng ý khi chuyển đến CC An Sương sinh sống. Tuy nhiên, giá thuê căn hộ CC quá cao. Bà Trần Thị Lan (C1 - 003 CC An Sương) kể, bà chuyển đến vào khoảng cuối năm 2010. Trước khi vào ở, cơ quan chức năng Q.8 thông báo giá thuê nhà chỉ từ 5.000đ - 7.000đ/m2. Chỗ ở tốt, giá thuê rẻ, bà đồng ý ngay. Tuy nhiên, vài tháng sau, bà “tá hỏa” khi nghe Công ty Dịch vụ công ích Q.8 (CT DVCI) thông báo giá thuê cao gấp nhiều lần. Cụ thể, căn hộ của bà có tổng diện tích 82m2, giá thuê lên đến bốn triệu đồng/tháng. Cuối năm 2011, giá thuê giảm còn khoảng 2,7 triệu đồng/tháng. Bà cố gắng đóng được sáu tháng thì... hụt hơi.
Bà Lan và nhiều hộ dân tiếp tục làm đơn xin giảm giá nhưng giá thuê không được giảm mà mới đây còn tăng thêm gần 500.000đ/tháng. Đồng thời, CT DVCI Q.8 đề nghị bà phải thanh toán toàn bộ tiền thuê nhà còn nợ, tổng cộng gần 125 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Hòa (chồng bà Lan) than: “Tui chở hàng thuê ở Q.8, lương có 3,3 triệu đồng tháng, phải nuôi sáu miệng ăn. Tui biết đã ở thì phải đóng tiền thuê nhà, nhưng với hoàn cảnh gia đình tui, đóng tiền nhà xong, còn gì nuôi gia đình?”.
Tương tự, gia đình ông Trần Văn Hoàng (C1 - 504 CC An Sương) thuê căn hộ ở lầu 5 với tổng diện tích 64m2, hy vọng giá thuê sẽ “mềm” hơn, nhưng 1,2 triệu đồng/tháng đối với gia đình ông là quá cao. Do đó, từ khi vào ở đến nay, gia đình ông chỉ đóng tiền thuê được sáu tháng. Vừa qua, nhân viên CT DVCI Q.8 đến đưa phụ lục hợp đồng đề nghị ông ký với giá thuê tăng thêm 200.000đ/tháng, đồng thời đề nghị thanh toán tổng số nợ tiền nhà hơn 67 triệu đồng. Ông không trả nổi, nên bị đề nghị phải trả nhà. Ông Hoàng nói: “Tui biết nhiều người không tin tui không đóng nổi tiền nhà, nhưng sự thật là vậy. Tui chạy xe ôm thu nhập không tới ba triệu đồng/tháng. Vợ tui bán tạp hóa trong CC chỉ được vài trăm nghìn một tháng; trong khi hai vợ chồng phải nuôi cả chục miệng ăn”. Theo ông Hoàng, nếu tiền thuê nhà giảm được khoảng 50% thì vợ chồng ông mới kham nổi.
Không trả được tiền thuê nhà, nhiều người đã “làm liều” đem căn hộ của Nhà nước cho thuê lại, lấy tiền đi thuê chỗ khác ở. Thậm chí, có người đã… bán luôn suất thuê. Trung bình mỗi suất thuê bán được khoảng 30 - 40 triệu đồng. Sau khi bán, các hộ chuyển ngược về Q.8 thuê nhà, tiếp tục những công việc trước khi bị giải tỏa.
Các hộ dân ở chung cư An Sương đang nợ tổng cộng hơn 11 tỷ tiền thuê nhà
Vẫn có khả năng giảm giá thuê nhà
Hầu hết các hộ dân đều sợ bị buộc trả lại nhà. Nhiều người kiến nghị Nhà nước xem xét cho họ được mua nhà trả góp dài hạn để yên tâm làm ăn, sinh sống. Những hộ dân đã đem căn hộ cho thuê lại hoặc bán suất thuê cho biết, nếu được giảm giá hoặc cho mua nhà trả góp, họ sẽ quay về CC ngay, vì rất muốn con cái mình có được môi trường sống tốt.
Theo CT DVCI Q.8, CT đã nhiều lần vận động người dân đóng tiền và ký phụ lục hợp đồng tăng giá thuê nhà, nhưng đa phần các hộ đều không đồng ý với lý do giá thuê quá cao, không đóng nổi. Hiện trong CC chỉ có 71 hộ thuê “chính chủ”; có 15 hộ sang nhượng suất thuê; số còn lại mang nhà cho thuê lại. Việc người dân xin giảm giá thuê hoặc xin mua nhà trả góp dài hạn, CT đã báo cáo UBND Q.8 xem xét.
Ông Võ Văn Hùng - Phó chủ tịch UBND Q.8 cho biết: “Quận đã nhiều lần đề nghị Sở Tài chính (TC) kiến nghị UBND TP giảm giá thuê cho người dân nhưng Sở TC không đồng ý”. Sở TC cho rằng, việc nhận chuyển nhượng CC An Sương đã được tính sát giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường vì đây là quỹ nhà phục vụ tái định cư, không phải nhà cho người thu nhập thấp. Các chính sách bồi thường, hỗ trợ cho người dân cũng đã thực hiện đúng quy định Nhà nước. Sở TC lo việc giảm giá thuê cho các hộ dân ở đây sẽ khiến những hộ dân đang thuê nhà thuộc các dự án giải tỏa khác khiếu kiện “dắt dây”.
Tuy nhiên, theo ông Hùng, các hộ dân bị giải tỏa trên rạch Ụ Cây cần được xem là trường hợp đặc biệt, vì họ có hoàn cảnh rất khó khăn, tái định cư xa quận, nơi bố trí tái định cư còn thưa dân, không buôn bán được nên phần lớn phải quay về Q.8 làm lại nghề cũ. Việc các hộ dân than giá thuê cao là cao so với thu nhập của họ, đồng thời, các hộ dân chỉ ký hợp đồng thuê có 30 năm, không được cấp giấy chủ quyền nhà, đất. Có nghĩa, 30 năm sau, nhà và đất vẫn là của Nhà nước. Lẽ ra khi tính giá thuê, Sở TC không nên tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá thuê, nhưng thực tế Sở TC vẫn tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá thuê khiến giá thuê nhà bị “đội” lên. Vì vậy, UBND Q.8 đã kiến nghị UBND TP xin giảm giá thuê nhà trên cơ sở không tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá thuê.
Theo tính toán sơ bộ của UBND Q.8, nếu kiến nghị này được chấp thuận, giá thuê nhà cho người dân chỉ còn khoảng từ 500.000đ - 1,6 triệu đồng/căn/tháng (đã bao gồm 10% thuế VAT và 5% phí quản lý, duy tu, sửa chữa). Riêng trường hợp các hộ dân có nguyện vọng mua lại căn hộ CC với hình thức trả góp dài hạn, ông Hùng cho biết, UBND Q.8 sẽ tổng hợp và kiến nghị UBND TP xem xét giải quyết.